Thành Thịnh Phát

Thành công - Thịnh vượng - Phát triển

Tổng bí thư, Chủ tịch nước: 'Chúng ta sẽ lập nên những kỳ tích mới'

26/01/2021 1335 lượt xem

Tổng bí thư, Chủ tịch nước: 'Chúng ta sẽ lập nên những kỳ tích mới'

Phát biểu trong phiên khai mạc Đại hội XIII, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định "không thế lực nào ngăn cản nổi dân tộc ta đi lên, lập nên những kỳ tích mới trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước".

8h ngày 26/1, tại hội trường Trung tâm Hội nghị Quốc gia, 1.587 đại biểu và khách mời tham dự phiên khai mạc Đại hội XIII làm lễ chào cờ. Sau đó, Đoàn chủ tịch Đại hội được mời lên bục điều hành, gồm 16 Uỷ viên Bộ Chính trị và Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn.

"Hôm nay trong không khí phấn khởi, tự hào tại thủ đô Hà Nội, trái tim thân yêu của Tổ quốc, Đảng cộng sản Việt Nam long trọng tổ chức Đại hội XIII", Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng phát biểu.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng thay mặt Đoàn Chủ tịch tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu và khách mời của Đại hội. Ảnh: TTXVN

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng thay mặt Đoàn Chủ tịch tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu và khách mời của Đại hội XIII. Ảnh: TTXVN

Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Đoàn Chủ tịch tuyên bố khai mạc Đại hội XIII của Đảng.

Theo Thủ tướng, với quan điểm nhìn thẳng sự thật, nói đúng sự thật..., Đại hội có nhiệm vụ kiểm điểm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII gắn với việc đánh giá 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh 1991, 10 năm thực hiện Cương lĩnh bổ sung phát triển năm 2011 và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020, đề ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, xác định mục tiêu, phương hướng đến năm 2030, tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2045.

Đồng thời, Đại hội kiểm điểm sâu sắc, toàn diện công tác xây dựng Đảng và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII, xác định phương hướng, nhiệm vụ xây dựng Đảng trong nhiệm kỳ mới, đánh giá việc thi hành Điều lệ Đảng.

Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc Đại hội XIII. Ảnh: Giang Huy

Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc Đại hội XIII. Ảnh: Giang Huy - Nhật Bắc

Đặc biệt, Đại hội sẽ bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII "thực sự tiêu biểu về phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, năng lực lãnh đạo, bản lĩnh, trí tuệ, đủ sức đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới, lãnh đạo chỉ đạo thực hiện những nhiệm vụ to lớn, nặng nề nhưng rất vẻ vang được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó trong những năm tới".

Tại phiên khai mạc, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, đã trình bày báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về các văn kiện trình Đại hội XIII.

"Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là một sự kiện chính trị trọng đại của Đảng, đất nước và dân tộc, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quá trình tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước; cán bộ, đảng viên và nhân dân ta đang náo nức chờ mong, tin tưởng và đặt nhiều kỳ vọng vào những quyết sách đúng đắn, mạnh mẽ, sáng suốt của Đảng", Tổng bí thư, Chủ tịch nước phát biểu.

Về tổng kết nhiệm kỳ Đại hội XII và nhìn lại 35 năm đổi mới, Tổng bí thư, Chủ tịch nước nói 5 năm qua, "toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã phát huy tinh thần yêu nước, đoàn kết, ý chí quyết tâm, bản lĩnh, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, tạo nhiều dấu ấn nổi bật; đất nước phát triển nhanh và bền vững; củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa".

Kinh tế Việt Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng bình quân khá cao (khoảng 5,9%). Nhiều khó khăn, vướng mắc, hạn chế, yếu kém từ các năm trước đã được tập trung giải quyết và đạt những kết quả bước đầu.

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được đặc biệt chú trọng, được tiến hành toàn diện, đồng bộ, có hiệu quả trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ.

Nhiều vấn đề phức tạp được đặt ra và thực hiện từ những năm trước, nhưng hiệu quả còn thấp, trong nhiệm kỳ này đã có chuyển biến tích cực.

Công tác kiểm tra, giám sát và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được triển khai quyết liệt, bài bản, đi vào chiều sâu, có bước đột phá và đạt những kết quả cụ thể, rõ rệt. Nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng được phát hiện, điều tra, khởi tố, xét xử nghiêm minh, tạo sức răn đe, cảnh tỉnh, được cán bộ, đảng viên và nhân dân hoan nghênh, đánh giá cao và đồng tình ủng hộ.

Tình trạng tham nhũng, tiêu cực, suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong Đảng và hệ thống chính trị từng bước được kiềm chế, ngăn chặn.

"Trước tình hình thế giới và khu vực có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, chúng ta đã coi trọng củng cố, tăng cường sức mạnh quốc phòng và an ninh, chủ động xử lý thành công các tình huống, không để bị động, bất ngờ", Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói.

Năm 2020, trong bối cảnh đại dịch Covid tác động mạnh đến Việt Nam, gây nhiều thiệt hại về kinh tế - xã hội, nhưng với sự nỗ lực cố gắng vượt bậc, đất nước đã đạt được những kết quả, thành tích đặc biệt hơn so với các năm trước.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước khẳng định, những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ Đại hội XII có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, không chỉ tạo được dấu ấn nổi bật, mà còn góp phần củng cố niềm tin, tạo ra động lực mới, khí thế mới để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức, tận dụng thời cơ, thuận lợi, đưa đất nước bước vào một thời kỳ phát triển mới.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên khai mạc Đại hội XIII. Ảnh: Giang Huy

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên khai mạc Đại hội XIII. Ảnh: Giang Huy

Từ thực tiễn công cuộc đổi mới, nhất là 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu 5 bài học kinh nghiệm. Trong đó, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải được triển khai quyết liệt, toàn diện, đồng bộ, thường xuyên, hiệu quả cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ...

"Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm "dân là gốc"; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng", Tổng bí thư, Chủ tịch nước nói.

Ông cũng nêu rõ "kiên quyết, kiên trì bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc đi đôi với giữ vững môi trường hoà bình, ổn định an ninh, an toàn để phát triển đất nước".

Các đại biểu thực hiện nghi thức chào cờ tại phiên khai mạc Đại hội XIII, sáng 26/1. Ảnh: TTXVN

Các đại biểu thực hiện nghi thức chào cờ tại phiên khai mạc Đại hội XIII, sáng 26/1. Ảnh: TTXVN

Về phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ Đại hội XIII và những năm tiếp theo, Tổng bí thư, Chủ tịch nước nói dù đạt được những thành tựu rất quan trọng, rất đáng tự hào, nhưng đất nước vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức và hạn chế. "Tuyệt đối không được chủ quan, tự mãn, mất cảnh giác", ông lưu ý.

Tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới trong giai đoạn tới, Tổng bí thư, Chủ tịch nước nói toàn Đảng, toàn dân và toàn quân cần quán triệt trong cả nhận thức và hành động thực tiễn 5 nhóm quan điểm chỉ đạo cơ bản.

Theo Tổng bí thư, Chủ tịch nước, tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân là phải kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

"Đây là vấn đề mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, là nền tảng vững chắc của Đảng ta, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động", ông nhấn mạnh.

Chiến lược phát triển tổng thể của Việt Nam thời gian tới là đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phát triển nhanh và bền vững đất nước; bảo đảm gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó: Phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hoá là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên...

"Với một đảng cách mạng chân chính, trong sạch, vững mạnh, có đủ bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín lãnh đạo như Đảng ta, được nhân dân hết lòng tin yêu, ủng hộ, chúng ta sẽ có một sức mạnh to lớn, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, không thế lực nào ngăn cản nổi dân tộc ta đi lên, lập nên những kỳ tích mới trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước", Tổng bí thư, Chủ tịch nước phát biểu.

Về hệ thống các nhiệm vụ, giải pháp các văn kiện trình Đại hội XIII đã đề ra để đưa Việt Nam bước vào một giai đoạn phát triển mới, Tổng bí thư, Chủ tịch nước nêu bật 6 nhóm vấn đề trọng tâm, như: Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đổi mới mạnh mẽ và có hiệu quả mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; khơi dậy tinh thần và ý chí, quyết tâm phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; dân tộc cường thịnh, trường tồn...

Trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu nêu trên, Tổng bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ cần tập trung đầu tư nguồn lực và đặc biệt chú trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, tạo sự chuyển biến về chất trong việc thực hiện ba đột phá chiến lược do Đại hội lần thứ XI, XII đã đề ra và được Đại hội lần này bổ sung, cụ thể hoá.

Các đột phá chiến lược gồm, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, ưu tiên nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt...; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội, về môi trường và quốc phòng, an ninh, ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu; chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số.

"Với phương châm: Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển, chúng ta cần thảo luận kỹ lưỡng để đạt được sự thống nhất cao và biểu quyết thông qua các văn kiện của Đại hội, bảo đảm cho sự thành công của Đại hội, tạo cơ sở cho việc quán triệt, triển khai thực hiện thật tốt Nghị quyết Đại hội, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra", Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói.

Chiều nay 26/1, các đại biểu làm việc tại đoàn, thảo luận Văn kiện đại hội.

Toàn cảnh phiên khai mạc Đại hội XIII. Ảnh: Giang Huy

Toàn cảnh phiên khai mạc Đại hội XIII. Ảnh: Giang Huy

Trong nhiệm kỳ 2021 - 2025 và những năm tiếp theo, mục tiêu phát triển tổng quát của Việt Nam là: "Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành một nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa".

Các mục tiêu cụ thể:

Đến năm 2025, là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.

Đến năm 2030: Là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.

Đến năm 2045: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

 

 

 

02523739688 https://zalo.me/0384058462 https://www.facebook.com/profile.php?id=100093525934644&mibextid=ZbWKwL https://maps.app.goo.gl/4Rczct8wD2K1qW8j8
Hotline: 0252 3739 688 Top