Nhiều hãng thông tấn, trang tin tức nước ngoài đồng loạt đưa tin về Đại hội XIII của Đảng diễn ra từ ngày 25/1 đến ngày 2/2 tại Hà Nội.
AP mô tả đường phố thủ đô Hà Nội những ngày này rợp màu đỏ của cờ hoa và các biểu ngữ, áp phích chào mừng sự kiện trọng đại của đất nước được tổ chức 5 năm một lần. Hãng thông tấn Mỹ cho hay những người tham dự và liên quan đến Đại hội đều được xét nghiệm Covid-19 hai lần.
DW, Reuters cũng đánh giá cao việc hơn 10.000 mẫu xét nghiệm của các đại biểu, tổ phục vụ và người liên quan Đại hội Đảng có kết quả âm tính với nCoV trước sự kiện.
"Cách làm này giống với các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt, xét nghiệm và truy vết đã giúp Việt Nam ghi nhận ít ca nhiễm nCoV hơn hầu hết các nước khác", hãng thông tấn Anh viết. Việt Nam hiện chỉ báo cáo hơn 1.500 ca Covid-19, trong đó 35 ca tử vong.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc nhấn mạnh Đại hội XIII diễn ra vào thời khắc quan trọng của lịch sử Việt Nam, sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam kỷ niệm 90 năm thành lập vào năm 2020.
"Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã tuyên bố 2020 là năm thành công nhất của Việt Nam trong 5 năm qua. Vào thời khắc quan trọng này của lịch sử Việt Nam, Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII được tổ chức nhằm tiếp nối hành trình đi lên chủ nghĩa xã hội của đất nước", Global Times, tờ báo thuộc People's Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, viết.
Tờ báo cũng ca ngợi Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, trở thành hình mẫu của thế giới về phòng chống đại dịch và là điểm sáng của phát triển kinh tế khu vực châu Á với GDP năm 2020 đạt mức tăng trưởng 2,91%.
AP dẫn lời Murray Hiebert, thành viên cấp cao của Chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, nhận định Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã thể hiện dấu ấn lãnh đạo của mình những năm qua bằng cách thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng và thực hiện cuộc chiến chống tham nhũng trong Đảng và chính quyền.
"Việt Nam có mức tăng trưởng trung bình 6% trong 5 năm qua và gần 3% năm 2020, khi hầu hết các nước láng giềng rơi vào suy thoái do đại dịch", Hiebert nói. "Việt Nam tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài, khiến hầu hết các nước láng giềng phải ghen tỵ, và còn gia tăng vị thế khi các công ty tìm cách chuyển một phần chuỗi cung ứng của họ ra khỏi Trung Quốc sau cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung".