"Lô vắc xin Sputnik V đầu tiên nhằm ngừa Covid-19 do Trung tâm nghiên cứu Dịch tễ và Vi sinh quốc gia Gamaleya của Bộ Y tế Nga phát triển đã vượt qua các đợt thử nghiệm chất lượng trong phòng thí nghiệm và đã được lưu hành", thông cáo của Bộ Y tế Nga cho hay.
Trước đó, cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko thông báo đợt tiêm vắc xin Sputnik V cho các tình nguyện viên sẽ bắt đầu trong tuần này mặc dù vắc xin trên vẫn đang trong quá trình thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3.
Nga phê chuẩn Sputnik V hôm 11/8, trở thành quốc gia đầu tiên phê chuẩn vắc xin ngừa Covid-19. Đến nay khoảng 40 quốc gia đã bày tỏ sự quan tâm và mong muốn mua vắc xin này của Nga. Nga lên kế hoạch sản xuất khoảng 200 triệu liều Sputnik V vào cuối năm nay, trong đó có 30 triệu liều cho nhu cầu nội địa.
Trung Quốc gửi WHO đề nghị phê chuẩn vắc xin Covid-19
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm qua 7/9 cho biết đang làm việc với giới chức Trung Quốc về các tiêu chuẩn quốc tế trong phê duyệt bất cứ vắc xin Covid-19 nào do Trung Quốc sản xuất.
"Văn phòng của WHO ở Trung Quốc và trụ sở của WHO đang phối hợp thảo luận với các cơ quan quản lý của Trung Quốc. Chúng tôi đã chia sẻ thông tin và các yêu cầu phê chuẩn quốc tế đối với các loại vắc xin Covid-19", Reuters dẫn lời Phó tổng giám đốc WHO Mariangela Simao cho hay.
Cùng ngày,đã trưng bày hai loại vắc xin do họ nghiên cứu, phát triển tại Hội chợ triển lãm Bắc Kinh. Đây là 2 trong số 10 loại vắc xin trên thế giới đã bước vào giai đoạn thử nghiệm lâm sàng thứ ba. Sinopharm nói, họ dự đoán vắc xin của họ có thể tạo kháng thể giúp tránh nguy cơ mắc Covid-19 trong vòng từ 1-3 năm. Tuy nhiên, hiệu quả thực sự chỉ có thể kết luận sau khi hoàn tất các giai đoạn thử nghiệm. Một đại diện của Sinovac cho biết, công ty này đã "hoàn tất xây dựng một nhà máy sản xuất vắc xin" có công suất lên tới 300 triệu liều/năm.
Nga và Trung Quốc là hai trong số các nước đang chạy đua phát triển vắc xin ngừa Covid-19 trong bối cảnh đại dịch tiếp tục bùng phát mạnh toàn cầu. Bùng phát từ cuối năm ngoái, đến nay Covid-19 đã khiến gần 28 triệu người mắc bệnh, khoảng 890.000 người tử vong.